Sự ảnh hưởng quốc tế Goldman_Sachs

Dấu chấm hỏi về quyền lực Goldman không chỉ là bận tâm của người Hoa Kỳ. Tháng 5-2007, tờ Independent (Anh) có bài viết cho biết người Italy ca thán rằng Goldman Sachs đang điều hành cả đất nước họ. Người đứng đầu Chính phủ Italy lúc đó, Thủ tướng Romano Prodi từng ăn lương của Goldman Sachs từ năm1990 đến 1993, và lãnh lương trở lại vào năm 1997, khi đã làm Thủ tướng Italy lần thứ nhất (1996-1998). Ông Prodi còn là Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) từ năm 1999-2004. Ngoài ra, còn 2 nhân vật chủ chốt khác của nền kinh tế Italy là "cựu binh Goldman". Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mario Draghi (nay là Thống đốc bang Banca) từng là một giám đốc điều hành của Goldman, trong khi Thứ trưởng Bộ Ngân khố Massimo Tononi cũng từng là nhân sự cấp cao của Goldman.

Ngoài Italy, trong danh sách "cựu binh Goldman" còn có Mark J. Carney, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada. Ông này từng ăn lương của Goldman suốt 30 năm ở các vị trí chủ chốt tại các chi nhánh ở London, Tokyo, từng là giám đốc điều hành của Goldman tại Toronto. Michael Cohrs, đồng giám đốc lĩnh vực ngân hàng đầu tư và là giám đốc Global Banking của ngân hàng Deutsche Bank, cũng từng là nhân sự cấp cao của Goldman Sachs tại New York và London trong giai đoạn 1981-1989. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) hiện nay, ông Robert B. Zoellick từng là Phó Chủ tịch Goldman Sachs.

Ngoài việc nắm giữ những vị trí cốt cán trong các chính phủ nước ngoài, định chế quốc tế, các "cựu binh Goldman" còn là CEO hoặc nhân sự cấp cao của nhiều công ty, ngân hàng toàn cầu khác. Chẳng hạn, John Thain – CEO cuối cùng của NH Merrill Lynch trước khi sáp nhập với Bank of America – là giám đốc cho vay thế chấp của Goldman Sachs từ năm 1985-1990 và là chủ tịch kiêm đồng CEO từ năm 1999-2004. Robert Steel – Thứ trưởng Bộ Ngân khố Hoa Kỳ từ 2006-2008 và là chủ tịch và CEO của Wachovia Corporation – từng là Phó Chủ tịch Goldman Sachs. Gavyn Davies – cựu Giám đốc Kinh tế của Goldman Sachs – nay là Chủ tịch British Boadcasting Corp (BBC) và là chồng bà Sue Nye, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Anh Gordon Brown. Cựu đồng chủ tịch Goldman Sachs Robert E. Rubin nay là một giám đốc cao cấp của Citigroup...

Nhiều người còn cho rằng chính Goldman Sachs đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, thông qua các hoạt động ngân hàng đầu tư của họ. Chính vì lý do này, chính phủ Hoa Kỳ đã buộc Goldman và một số ngân hàng đầu tư khác chuyển thành ngân hàng thương mại sau sự sụp đổ của ngân hàng thương mại Lehman Brothers.

Trong cuộc khủng hoảng nợ đang ngày một trầm trọng của Hy Lạp hiện nay, Goldman Sachs cũng bị cáo buộc có nhúng tay vào (xem thêm ĐTTC số 295, trang 20). Năm 2000 và 2001, Goldman từng giúp Athens bí mật vay hàng tỷ USD để che giấu tình hình tài chính tệ hại của họ bằng cách tạo ra các sản phẩm phái sinh có thể chuyển các khoản vay thành giao dịch tiền tệ mà Hy Lạp không phải công bố theo luật của EU. Chính hoạt động này khiến tình hình tài chính Hy Lạp trông có vẻ "khỏe mạnh" hơn thực chất, một điều kiện để dẫn đến "cái chết bất ngờ".